Thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, bắt đầu từ năm 2017, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các chuyên gia logistics xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam thường niên nhằm rà soát, đánh giá, cung cấp thông tin về tình hình, triển vọng logistics Việt Nam và quốc tế và các quy định chính sách liên quan… góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp, công tác nghiên cứu khoa học và truyền thông trong lĩnh vực logistics.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia từ Báo cáo Logistics 2017, 2018, 2019, 2020 và trên tinh thần liên tục đổi mới, bám sát những xu hướng và biến động thực tiễn trên thị trường trong nước và quốc tế, Mời các bạn cùng iGenZ tìm hiểu về thực trạng ngành Logistics hiện nay với Báo cáo tổng quan ngành Logistics Việt Nam 2021.
Logistics Thế giới năm 2021 và những xu hướng
Logistics thế giới chịu tác động mạnh mẽ từ Covid-19
Khác với năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc, các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ làm tê liệt các nền kinh tế này, thì đến năm 2021, khi các nền kinh tế lớn này đang trên đà phục hồi và mở cửa trở lại nhờ chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng, thì tại châu Á, làn sóng Covid-19 tái bùng phát mạnh mẽ tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Ấn Độ, tạo ra những nút thắt mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một lần nữa đe dọa và kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế hậu Covid-19.
Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ là người khổng lồ mới của nền kinh tế thế giới, vốn đã được coi là một trong những mắt xích quan trọng nhất và là lựa chọn hàng đầu trong chiến dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Chính vì vậy, biến cố Covid-19 tại Ấn Độ ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu và toàn bộ nền kinh tế thế giới, và có khả năng các nhà đầu tư phải một lần nữa cân nhắc lại chuyện di dời hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Thậm chí, ngành vận tải biển quốc tế vốn phụ thuộc vào lực lượng thuyền viên khổng lồ ở đất nước Nam Á này cũng đang bị đe dọa. Theo số liệu của Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS), cùng với Philippines và Trung Quốc, Ấn Độ là một trong những nước cung cấp thuyền viên lớn nhất cho thế giới, khoảng 240.000 trong số khoảng 1,6 triệu thuyền viên trên toàn cầu đến từ nước này. Việc các thuyền viên đến từ quốc gia này hay các thuyền viên ghé qua quốc gia này bị nhiễm Covid-19 khiến ngành vận tải biển đối mặt với viễn cảnh toàn bộ thuyền viên trên tàu bị nhiễm bệnh rất nhanh, đồng nghĩa với việc phải dừng hoạt động của những con tàu này. Những hạn chế thay đổi thuyền viên nêu trên có thể gây ra cú sốc cho ngành vận tải biển, vốn vận chuyển 80% giá trị thương mại toàn cầu.
Không chỉ Ấn Độ, các quốc gia tiềm năng trong chiến dịch Trung Quốc + 1 khác như Việt Nam, Indonesia hay Thái Lan đã trải qua một đợt bùng phát dịch mới trên diện rộng, áp dụng lệnh phong tỏa và ngừng hoạt động tại các khu công nghiệp, ngưng trệ hoạt động sản xuất. Điều này có thể làm chậm lại quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng như đã dự tính từ trước.
Covid-19 và những hệ quả của nó dẫn tới những biến động không thể lường trước đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ở các nước phát triển. Trong khi chỉ một năm trước, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhu cầu hàng hóa giảm đột ngột và nhanh chóng hơn bao giờ hết, thì tính đến quý II/2021, nhu cầu tăng vọt sau một giai đoạn dài bị dồn nén. Tổng cầu gia tăng có thể nói một phần là do chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng được thực hiện bởi các chính phủ nhằm đưa nền kinh tế vượt qua suy thoái. Cũng chính nhờ đó, hoạt động tài chính của doanh nghiệp dần ổn định, thu nhập hộ gia đình tăng lên thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ, giúp phục hồi tổng cầu. Xu hướng tổng cầu cao này được dự báo sẽ kéo dài trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19 với các chương trình tiêm chủng vaccine rộng rãi trên toàn cầu.
Nhưng ngay sau đó, doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung: bao gồm cả đầu vào nguyên liệu thô và nhân công không đủ đáp ứng. Cầu vừa phục hồi thì cung lại đứt gãy. Thậm chí, vấn đề nguồn cung còn được đánh giá là nghiêm trọng hơn so với vấn đề về cầu mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trước đó. Thiếu hụt nguồn cung cùng sự tắc nghẽn lưu chuyển hàng hóa đang phá vỡ hàng loạt chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Covid-19 đang và có nhiều nguy cơ bùng phát trở lại ở các quốc gia được coi là công xưởng sản xuất của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay các quốc gia Đông Nam Á dẫn tới hệ quả nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất phải đóng cửa, áp lực chi phí đối với chuỗi cung ứng buộc doanh nghiệp phải tập trung vào sản xuất tinh gọn hoặc thuê ngoài, nếu có bất kỳ gián đoạn nào ở đầu chuỗi cung ứng (nguồn cung) sẽ gây ra phản ứng dây chuyền, buộc toàn bộ hệ thống phải dừng lại. Các doanh nghiệp lúc này không chỉ đối mặt với việc làm sao để tìm nguyên liệu kịp thời, đảm bảo hiệu quả chi phí, mà còn cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu theo từng mùa đối với sản phẩm cuối cùng.
Xu hướng M&A trong lĩnh vực Logistics
Trong năm 2021, một số thương vụ mua bán và sáp nhập được thực hiện bởi những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành logistics toàn cầu.
Lĩnh vực giao nhận
Đầu tiên phải kể tới thương vụ DSV Panalpina mua lại đơn vị kinh doanh logistics hợp nhất toàn cầu của Agility (Agility’s Global Integrated Logistics – Agility GIL). Agility GIL là đơn vị phụ trách mảng kinh doanh logistics giao nhận, trực thuộc Agility Public Warehousing Company K.S.C.P. Thương vụ trị giá 4,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 500 triệu USD so với thương vụ DSV mua lại Panalpina hơn 2 năm trước. Agility GIL là một trong những doanh nghiệp giao nhận hàng không lớn nhất thế giới với doanh thu năm 2020 đạt 4,0 tỷ USD, trong đó khoảng 80% là liên quan đến vận tải hàng không và đường biển. Sau khi tiếp quản thành công Agility GIL, DSV Panalpina được kỳ vọng sẽ trở thành công ty giao nhận lớn nhất thế giới, vượt qua Kuehne + Nagel (K+N) và DHL Global Forwarding.
Trước đó, vào tháng 5/2021, Kuehne + Nagel đã hoàn tất việc mua lại 88,5% cổ phần của Apex International. Kể từ đầu năm 2021, trong nỗ lực nhằm mở rộng sự hiện diện tại Châu Á – Thái Bình Dương, Kuehne + Nagel đã ký thỏa thuận để mua lại Apex International Corporation. Trị giá giao dịch được ước tính vào khoảng 1,5 tỷ USD – 2 tỷ USD. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử của Kuehne + Nagel với hy vọng sẽ đưa công ty trở thành nhà giao nhận lớn nhất trong thị trường vận tải hàng không. Apex được thành lập tại Trung Quốc vào năm 2001 và đã mở rộng phát triển mạnh mẽ trên khắp châu Á, đặc biệt với các tuyến xuyên Thái Bình Dương và nội Á. Việc mua lại Apex International tại Trung Quốc theo kế hoạch sẽ bổ sung thêm 9% vào doanh thu của Kuehne + Nagel và tăng tỷ lệ doanh thu tại Châu Á Thái Bình Dương từ 11% lên 19% tổng doanh thu. Tuy nhiên đến tháng 7, Kuehne + Nagel đã đồng ý bán 24,9% cổ phần của Apex International cho công ty cổ phần tư nhân Partners Group nhằm thực hiện “Kế hoạch tạo ra giá trị chuyển đổi”, củng cố vị thế tại thị trường Trung Quốc. Partners Group cũng sẽ tham gia cùng cổ đông lớn Kuehne + Nagel Group với một ghế trong Hội đồng quản trị Apex.
Với nỗ lực hoàn thiện hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ, vào tháng 8/2021, A.P. Moller-Maersk đã mua hai công ty logistics thương mại điện tử với giá trị 924 triệu USD bao gồm: Visible Supply Chain Management LLC (Hoa Kỳ) và công ty B2C Europe (Hà Lan). Cùng thời điểm, Jas Worldwide đang thực hiện thương vụ mua lại Greencarrier Freight Services (một công ty con của Greencarrier Group, chuyên cung cấp các dịch vụ giao nhận hàng hóa, hậu cần và quản lý chuỗi cung ứng) trong chiến lược nâng cao vị thế của mình tại các khu vực Bắc Âu, Baltic và Đông Âu, đồng thời củng cố các hoạt động hiện có ở Anh và Trung Quốc.
Lĩnh vực kho bãi
Lineage Logistics, LLC – công ty hàng đầu trong lĩnh vực chuỗi cung ứng lạnh đã mua lại Hanson Logistics – công ty cung cấp giải pháp logistics lạnh lớn thứ 12 tại Bắc Mỹ – theo Hiệp hội kho hàng lạnh quốc tế (IARW). Trước đó, Lineage đã mua thêm hai nhà cung cấp kho lạnh để tăng cường hoạt động trong nước, bao gồm: Marc Villeneuve (dịch vụ phân phối trực tiếp đến cửa hàng ở Montreal) và Kho lạnh Orefield (bao gồm ba địa điểm ở Đông Pennsylvania). Tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới cơ sở của Lineage ở Bắc Mỹ bao gồm hơn 250 cơ sở ở 35 tiểu bang và hai tỉnh của Canada với thể tích hơn 1,7 tỷ feet khối kho được kiểm soát nhiệt độ.
Lĩnh vực vận tải biển
Sau khi thỏa thuận được hoàn tất vào tháng 3/2021, đến tháng 7/2021, hàng tàu Hapag- Lloyd đã chính thức hoàn tất việc mua lại dây chuyền container và dây chuyền công nghệ của NileDutch để đẩy mạnh khai thác thị trường vận tải Tây Phi. Hapag-Lloyd và NileDutch hy vọng sẽ tích hợp hầu hết các hoạt động kinh doanh của họ vào cuối năm nay. Vào tháng 9/2021, công ty vận tải đa phương thức tập trung vào các chuyến tàu ngắn Châu Âu – Samskip đã mở rộng hoạt động ở Baltic sau khi mua lại hãng vận tải trung chuyển Sea Connect của Lithuania. Sau khi việc mua lại hoàn tất, công ty sẽ được đổi tên thành Samskip Sea Connect và sẽ phát triển các tuyến đường biển ngắn mới kết nối Nga, Lithuania, Đan Mạch, Đức và Hà Lan bên cạnh tiếp tục vận hành các tuyến trung chuyển. Hành động này của Samskip nhằm củng cố vị thế tại Nga, Hà Lan và các cảng trong khu vực Baltic.
Lĩnh vực vận tải hàng không
Bên cạnh các thương vụ M&A đã được hoàn tất, mặc dù đã nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc do chính phủ điều hành, việc sáp nhập của 2 hãng hàng không lớn của Hàn Quốc là Korean Air và Asiana Airlines được công bố từ năm 2020 vẫn còn nhiều thủ tục trước khi chính thức hoàn tất quá trình này. Thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2024. Korean Air và Asiana Airlines chiếm tổng cộng 40% số chỗ cho hàng hóa và hành khách tại Sân bay quốc tế Incheon.
Xu hướng phát triển doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ của Việt Nam
Số lượng doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ của Việt Nam có xu hướng tăng cả về số lượng và vốn đăng ký hoạt động, tuy nhiên có sự biến động qua các năm, có doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp giải thể và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, hay sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A). Trong giai đoạn 2016 – 2019, tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp bình quân cả nước đạt 10,5%/năm, gấp hai lần giai đoạn 2011 – 2015. Đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 810.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Các địa phương được ghi nhận có số doanh nghiệp tăng nhanh nhất cả nước là An Giang (tăng 55%), Kiên Giang (tăng 80%), Bạc Liêu (tăng 105%), TP. Hồ Chí Minh (tăng 53%).
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020, cả nước có tổng cộng gần 760 nghìn doanh nghiệp. Theo lĩnh vực hoạt động, chiếm tỷ trọng lớn nhất và có xu hướng tăng là doanh nghiệp dịch vụ, chiếm 67,7% tổng số doanh nghiệp, tiếp theo là doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng 31,6%, còn lại là doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,33% và có xu hướng giảm dần. Trong lĩnh vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh nghiệp thương mại, với 262.776 doanh nghiệp, chiếm 34,64% tổng số doanh nghiệp cả nước, doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 3,93%, còn lại là dịch vụ khác.
Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm số lượng lớn nhất, với 115.548 doanh nghiệp, chiếm 15,23% tổng số doanh nghiệp cả nước. Doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo bao gồm doanh nghiệp sản xuất linh kiện dệt may, da giày và chế biến nông sản. Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu ngành dệt may, da giày (chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo).
Trong năm 202019, có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 134.941 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nông, lâm nghiệp và thủy sản đều có xu hướng tăng (tương ứng là 10,2% và 30,1%), lĩnh vực dịch vụ giảm mạnh, tới 6,6% so với năm 2019. Mặc dù vậy, đây cũng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế xã hội.
Tính chung 6 tháng đầu năm 202120, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 93,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Phân theo lĩnh vực kinh tế, 4 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực dịch vụ có số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 31.314 doanh nghiệp, chiếm 70,9% số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký là 388,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,9% tổng số vốn đăng ký và tăng 24,3%. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có 12.152 doanh nghiệp, chiếm 27,5% và tăng 15,2%; số vốn đăng ký là 225,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% và tăng 83,1%. Lĩnh vực nông lâm, nghiệp và thủy sản có 694 doanh nghiệp, chiếm 1,6%, tăng 24,4%; số vốn đăng ký gần 13,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,1% và tăng 44,2%.
Sự tăng trưởng với tỉ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh một phần là do ngành nghề kinh doanh hàng hoá và dịch vụ thiết yếu. Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn, đồng thời ngành nghề xây dựng có chiều hướng gia tăng khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được tập trung phát triển, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh.
Một điểm đặc biệt là, trong 6 tháng đầu năm 2021, các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đợt bùng phát dịch lần này vẫn có sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm 2020. Điển hình như Bắc Giang (tăng 11,82%), TP. Hồ Chí Minh (tăng 5,34%), Bắc Ninh (tăng 1,06%)21. Bên cạnh đó là tín hiệu tích cực từ số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động, với 44.096 doanh nghiệp năm 2020, tăng 11,9% so năm 2019 và 29,7% so với năm 2018. 6 tháng đầu năm 2021, có 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này thể hiện sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, những kết quả trên có được là nhờ các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, dịch bệnh đang tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong những ngành chịu tác động trực tiếp, như thương mại, dịch vụ, các doanh nghiệp quy mô nhỏ… Phần lớn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch thời gian qua.
Với xu hướng tăng trưởng và phát triển cả về số lượng và loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, chuyển đổi số, tác động mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, đặc biệt là Đại dịch Covid 19, khiến cho nhu cầu của các doanh nghiệp về các hoạt động và dịch vụ logistics cũng tăng nhanh, đa dạng trên cơ sở hướng tới ứng dụng nhiều hơn, nhanh hơn công nghệ và thành tựu của khoa học công nghệ.
Hoạt động hỗ trợ Logistic tại Việt Nam
Ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về logistics
Quyết định 749/QĐ-TTg ban hành ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các mục tiêu cơ bản đến năm 2025, trong đó định hướng Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI) và thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII) Qua hơn 1 năm thực hiện, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã có nhiều tác động tích cực đến các cơ quan quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương nói chung và trong lĩnh vực logistics nói riêng.
Bộ Công Thương: triển khai hoạt động nâng cấp Cổng thông tin điện tử về FTA. Ngày 14/05/2021, Bộ Công Thương đã ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Viettel.
Bộ Giao thông vận tải: ban hành Quyết định số 2269/QĐ-BGTVT ngày 8/12/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành Giao thông vận tải, cụ thể:
- Cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác.
- 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Giao thông vận tải được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan tới nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ Giao thông vận tải được nộp trực tuyến
mức độ 3, 4. - 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.
- Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.
- Tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp của Việt Nam.
- Nền kinh tế vận tải được vận hành chủ yếu trên phương thức số; mô hình kinh tế chia sẻ được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực vận tải.
- Hệ thống giao thông thông minh được triển khai rộng khắp trên mạng lưới giao thông toàn quốc; có sự kết nối đồng bộ, liên thông kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.
Bộ Tài chính: Ngày 26/01/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 97/QĐ-BTC về phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số”. Đây là chủ trương lớn để góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại ngang tầm Hải quan các nước phát triển hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và đang tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines thông qua Cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh cải cách ứng dụng CNTT với việc xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia (Theo Tổng cục Hải quan, từ 15/6-15/7/2021, số hồ sơ được xử lý trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 80.000 bộ với khoảng gần 800 doanh nghiệp tham gia).
Có thể thấy, chuyển đổi số chính là cơ hội cho mỗi người Việt Nam và đất nước Việt Nam có được những sự phát triển đột phá. Tuy nhiên, chuyển đổi số muốn thành công cần xuất phát từ sự thay đổi về nhận thức và vai trò của người lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp cùng với chủ trương, chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước để phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong doanh nghiệp logistics
Đại dịch Covid-19 cũng tạo ra động lực để các doanh nghiệp logistics thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số. Nhằm đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiện nay của các doanh nghiệp logistics đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) đã thực hiện khảo sát và phỏng vấn chuyên sâu với các nhóm doanh nghiệp logistics cung cấp các lĩnh vực dịch vụ logistics khác nhau: vận tải, kho bãi, trung tâm phân phối, giao hàng chặng cuối, chuyển phát nhanh, nền tảng giao hàng thông minh…Kết quả khảo sát cho thấy 38,24% doanh nghiệp cho rằng Covid-19 đã hình thành nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics, trong khi 42,65% doanh nghiệp cho rằng tác động của Covid-19 chính là làm thay đổi nhu cầu của khách hàng (chẳng hạn sử dụng giao dịch điện tử nhiều hơn, dịch vụ giao hàng thương mại điện tử….), ngoài ra còn có những xu hướng khác được hình thành như thay đổi quan niệm điều hành doanh nghiệp logistics nhất là các công ty giao nhận nước ngoài; khả năng làm việc từ xa.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát thể hiện sự quan tâm và đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổi số, tuy nhiên, rào cản lớn nhất thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số phát sinh từ những khó khăn sau đây: sự tương thích về công nghệ giữa doanh nghiệp của mình và các đối tác trong chuỗi dịch vụ logistics (44,74% doanh nghiệp), kinh phí hạn hẹp và nhân lực hạn chế (42,11%), chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp (39,47%) và có 28,95% doanh nghiệp băn khoăn không biết nên dành kinh phí đầu tư như thế nào cho phù hợp và nên khởi đầu như thế nào. Ngoài ra, việc chuyển đổi lượng thông tin hiện hữu với khối lượng khổng lồ lên nền tảng số cũng là trở ngại cho 15,97% doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không chú trọng đến tính an toàn và khả năng bảo mật thông tin của các nền tảng trực tuyến khi chỉ có 5,26% doanh nghiệp cho rằng đây là cản trở cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát nêu trên cho thấy để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, cần có sự hợp tác chặt chẽ các doanh nghiệp với các đối tác trong mạng lưới toàn chuỗi dịch vụ để có thể có sự quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn ứng dụng hay nền tảng phù hợp không chỉ cho việc vận hành doanh nghiệp mà còn tương thích với hệ thống của đối tác để có thể đảm bảo tính hiệu quả và thành công của chuyển đổi số. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy chuyển đổi số phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp, và phải được xem như là chiến lược của các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có đặc điểm vận hành với số lượng dữ liệu quy mô lớn (big data) với số lượng đơn hàng có thể lên đến từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đơn hàng/1 ngày trên địa bàn cả nước thì nhu cầu chuyển đổi số trở thành một vấn đề cấp thiết và là điều kiện tiên quyết để thực hiện hoạt động vận hành, chẳng hạn như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát hoặc giao hàng chặng cuối để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao hàng nhanh chóng và kịp thời.
Mặc dù có rất nhiều khó khăn tác động đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, tuy nhiên kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đã rất nỗ lực đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin cần thiết trong thực hiện dịch vụ logistics chủ yếu. Cụ thể như sau: 75% doanh nghiệp đang sử dụng FMS (phần mềm quản lý giao nhận); 63,89% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm OMS và WMS (phần mềm quản lý đơn hàng, phần mềm quản lý kho hàng); 61,11% doanh nghiệp đang sử dụng TMS (phần mềm quản lý vận tải). Tuy nhiên, những ứng dụng có thể tối ưu hóa công tác vận hành như VRP (hệ thống định tuyến phương tiện) hay hệ thống lưu trữ và lấy hàng tự động AS/RS hay xe lấy hàng tự động (Automatic guided vehicle) thì còn rất ít doanh nghiệp sử dụng với tỉ lệ tương ứng là 19,4%, 16,67% và 11,11% (Hình 23).
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ bay không người lái (Drone) hoàn toàn chưa được sử dụng tuy nhiên có 11,11% doanh nghiệp có kế hoạch sẽ sử dụng trong tương lai. Drone là thiết bị bay tự động đang được ứng dụng để giao hàng tại các thành phố lớn có mật độ dân cư cao phục vụ cho logistics đô thị. Ngoài ra, nhu cầu nâng cao hiệu suất xử lý hàng hóa tại các trung tâm phân phối và kho hàng nhằm giảm leadtime và tối ưu hóa thời gian và nhân lực cũng là động lực thúc đẩy 27,78% doanh nghiệp sẽ đầu tư sử dụng ứng dụng xe lấy hàng tự động như là một giải pháp giảm bớt phụ thuộc nhân lực và tăng cường tự động hóa.
Để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thì doanh nghiệp logistics cần có những kế hoạch hành động và chiến lược phù hợp, hiệu quả và nhanh chóng. Kết quả phỏng vấn sâu các doanh nghiệp cho thấy một số giải pháp như sau được đề xuất:
- Cần có sự hỗ trợ từ Cơ quan quản lý Nhà nước và Hiệp hội;
- Doanh nghiệp phải có quy trình vận hành chuẩn; quyết tâm của ban lãnh đạo; giải pháp công nghệ phù hợp;
- Cần có sự thay đổi đồng bộ và có sự tư vấn của chuyên gia và nhận thức của doanh nghiệp (thay đổi tư duy logic);
- Cần chuyên môn hóa và tạo ra sân chơi chung cho ngành logistics;
- Cần có sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo doanh nghiệp, cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và lựa chọn được lộ trình (roadmap) phù hợp với doanh nghiệp;
- Cần lựa chọn công nghệ phù hợp với nguồn lực và yêu cầu vận hành.
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại một số doanh nghiệp logistics
- Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines)
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ theo xu hướng ứng dụng công nghệ số, từ ngày 15/7/2021, Vietnam Airlines chính thức giới thiệu phiên bản nâng cấp ứng dụng di động Vietnam Airlines với nhiều tính năng ưu việt hơn, tối ưu hóa trải nghiệm bay cho hành khách. Điểm khác biệt lớn nhất của phiên bản hiện tại so với các phiên bản cũ là việc nâng cấp giao diện hoàn toàn mới, hiện đại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng; tốc độ xử lý và tính ổn định được cải thiện tối đa, cùng nhiều tính năng mới hỗ trợ khách hàng mọi lúc mọi nơi.
Hiện nay, ứng dụng Vietnam Airlines đã đạt 3 triệu lượt tải. Hành khách có thể tải ứng dụng về thiết bị di động cá nhân thông qua App Store (iOS) hoặc Google Play Store (Android), hoặc đồng ý cập nhật phiên bản mới nhất. Cách thức hiển thị nội dung kiểu mới của các chức năng hiển thị thông báo sẽ thân thiện, bắt mắt hơn. Các chương trình bán, quảng cáo được tùy chọn hiện theo vị trí của khách với 9 ngôn ngữ. Đặc biệt giao diện ứng dụng có thể được tuỳ chỉnh theo mong muốn của khách hàng, từ màu sắc cho đến sắp xếp lại thứ tự các mục trong thanh menu.
Với ứng dụng Vietnam Airlines, hành khách có thể tra cứu và đặt vé hiển thị dễ dàng hơn khi giao diện được sắp xếp theo thẻ màu thông minh, hiển thị những ưu đãi khách hàng sẽ được hưởng lên trước. Ngoài ra khách hàng có thể vuốt ngang, dọc để so sánh các mức giá. Vietnam Airlines sẽ tiếp tục cập nhật, đổi mới các sản phẩm số, bắt kịp với xu hướng hàng không thế giới để mang lại hành trình thuận tiện và liền mạch nhất cho hành khách, tiến tới mục tiêu trở thành hãng hàng không số trong tương lai gần.
Xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong logistics
Để hướng tới sự phát triển bền vững của ngành logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các tiêu chuẩn trong ngành logistics (chẳng hạn bao bì, đóng gói, kho hàng, xếp dỡ, giao hàng chặng cuối….) cần hướng đến sự chuẩn hóa ở phạm vi quốc gia cũng như quốc tế. Việc đưa ra các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật mang tính chuẩn hóa trong dịch vụ logistics không những góp phần tạo thuận lợi cho sự di chuyển của hàng hóa mà còn đảm bảo chất lượng hàng hóa; đảm bảo an toàn; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; phục vụ cho việc quản lý hàng hóa; tạo thuận lợi trong việc số hóa và lưu trữ thông tin; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nhờ việc chuẩn hóa dữ liệu thông tin về hàng hóa.
Từ vai trò quan trọng như vậy của việc tiêu chuẩn hóa trong ngành logistics, năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia bao gồm:
- i) TCVN 13196-2020, DV Vận tải – Chuỗi vận tải – Hệ thống khai báo (hoàn toàn tương đương
BS EN 13011:2001); - ii) TCVN 13197-1-2020, Đơn vị vận tải đa phương thức – Ghi nhãn (hoàn toàn tương đương
BS EN 13044-1:2011); - iii) TCVN 13198-2020, Chuỗi vận tải – Quy tắc thực hành cung cấp DV vận tải (hoàn toàn
tương đương BS EN 13876:2002) - iv) TCVN 13199-2020, Khai báo về hoạt động môi trường trong chuỗi vận tải (tham khảo
CEN/TR 14310:2002); - v) TCVN 13200_2020, Thuật ngữ và định nghĩa (hoàn toàn tương đương BS EN 14943:2020). Các bộ tiêu chuẩn đã được công bố áp dụng cho ngành logistics thể hiện sự nhanh nhạy, nghiên cứu vận dụng theo xu hướng hội nhập quốc tế của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng các tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đối với dịch vụ logistics vẫn còn khiêm tốn, mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu phát triển của thương mại hàng hóa ngày càng tăng nhanh của hội nhập kinh tế quốc tế và các yêu cầu về quản lý hàng hóa.
Hợp tác quốc tế về logistics
Liên kết hợp tác quốc tế
Trong bối cảnh dịch bệnh, VLA vẫn duy trì các hoạt động trực tuyến trong FIATA, AFFA, WLP tại Dubai và các hợp tác đa phương thông qua AFFA với CIFA và KIFFA, tham gia hội thảo với UNESCAP.
Tiếp tục năm thứ 2 chịu ảnh hưởng của Covid-19, các hoạt động đi lại hợp tác quốc tế tiếp tục bị ngừng trệ. Do Covid-19, FIATA đã lùi Đại hội 2021 ở Bỉ sang năm 2023. Kỳ đại hội năm 2022 sẽ được tổ chức tại Busan (Hàn Quốc), tại đây Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội FIATA năm 2025. Là một thành viên của AFFA, Việt Nam đã tham gia các hoạt động trước thềm đại hội 2022, đó là dự án giữa ASEAN và Hàn Quốc “The ASEAN-ROK Logistics Think Biz Network”. Dự án kéo dài tới năm 2024 với các mục tiêu chiến lược như sau:
- Năm 2021: Liên kết với một dự án được tổ chức bởi Diễn đàn Hàn Quốc toàn cầu (Global Korea Convention), xây dựng The ASEAN-ROK Logistics Think Biz Network và ra mắt diễn đàn.
- Năm 2022: Đại hội FIATA 2022 tại Busan, tổ chức các phiên họp Hàn Quốc-ASEAN, phát triển các kế hoạch phản ánh nhu cầu của ngành, trình bày và thu thập ý kiến trên các giai đoạn toàn cầu.
- Năm 2023: Mở rộng diễn đàn Think Biz Logistics ASEAN-ROK, mở rộng phạm vi hợp tác từ ASEAN-Hàn Quốc sang châu Á, khẳng định chủ đề của diễn đàn và lĩnh vực nghiên cứu.
- Năm 2024: Dựa trên kết quả của đại hội FIATA 2022, duy trì mạng lưới toàn cầu trong lĩnh vực logistics và thành lập trung tâm R&D.
VLA đã tham gia Hội nghị thường niên vùng của UNESCAP về các doanh nghiệp logistics, dưới hình thức trực tuyến ngày 30/6/2021. Hội nghị thường niên này, năm nay cũng được tổ chức cùng với hội nghị Châu Á Thái Bình Dương của FIATA (RAP – Region of Asia Pacific).
Cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban hợp tác công nghiệp RCEP đã diễn ra theo hình thức trực tuyến – trực tiếp ngày 18/5/2021. Với sự nhất trí đạt được tại cuộc họp, cộng đồng doanh nghiệp của các quốc gia thành viên RCEP cần tích cực thúc đẩy và tham gia vào việc xây dựng RCEP để cùng nhau thực hiện các mục tiêu mong đợi của việc xây dựng RCEP. Trong diễn đàn này, VLA đã tham Ủy ban hợp tác phát triển logistics của RCEP.
Bên cạnh đó, VLA còn phát triển hợp tác chuỗi cung ứng lạnh (cold chain) với Đài Loan. Đây là hợp tác trên cơ sở trao đổi đoàn công tác của VLA với đối tác về công nghệ và kinh nghiệm phát triển cold chain, các trao đổi và hợp tác thể hiện qua các hội thảo trực tuyến trong 2021.
Trong nước, Amcharm (AmCham Logistics & Supply Chain Committee Meeting) đã có buổi làm việc với VALOMA ngày 26/5/2021 để tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa hai bên. Mục đích của buổi trao đổi tập trung vào việc phát triển nhân tài trong lĩnh vực logistics.
Đầu tư ra nước ngoài
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đã xin lập hãng hàng không vận tải hàng hóa với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Theo đó, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương. Nếu được chấp thuận, hãng hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ tham gia vào thị trường vận tải hàng hóa vốn đang được các hãng nước ngoài nắm giữ.
Trong số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm qua thì đầu tư trong lĩnh vực vận tải, kho bãi tính đến tháng 7/2021 như sau:
Trong giai đoạn 2/7/2020 – 2/7/2021, cả nước có 50 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics, trong đó có 32 dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài (tổng vốn là gần 450 triệu USD), 18 dự án là liên doanh (hơn 40 triệu USD). Tính theo nước đầu tư thì Singapore là quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất, hơn 308 triệu USD, với 12 dự án đầu tư (trong đó có 11 dự án là 100% vốn nước ngoài). Tiếp đến là Mỹ với duy nhất một dự án đầu tư 100% vốn nước nước ngoài, trị giá 130 triệu USD, đầu tư vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Hình 26).
Kết luận
Bối cảnh thế giới vẫn còn những rủi ro tiềm tàng do căng thẳng thương mại và xung đột chính trị đã tác động tiêu cực đến cả thương mại, sản xuất, đầu tư. Dịch bệnh Covid-19 với tốc độ lây nhiễm và quy mô chưa từng có trong lịch sử đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, các quy định về giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và vận chuyển có hiệu lực ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận tải biển tăng cao và trực tiếp khiến logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh tác động tiêu cực, dịch Covid-19 cũng góp phần thúc đẩy cách mạng công nghiệp và quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết, đặc biệt với những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robots, internet kết nối vạn vật…Sự bùng nổ của thương mại điện tử và xu hướng thanh toán trực tuyến trên phạm vi toàn cầu với một số doanh nghiệp dẫn dắt như Alibaba, Amazon và e-Bay, đã cho phép các doanh nghiệp với quy mô nhỏ tại các thị trường mới nổi tiếp cận người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2021 – Bộ công thương