Trong những năm gần đây, ngành hàng không Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Với sự gia nhập của hàng loạt các thương hiệu lớn, điển hình phải kể đến: VietJet Air, Vietravel Airlines, Bamboo Airway, Air Asia,…Thế nhưng, Vietnam Airline dường như vẫn là cái tên giữ được ngôi vị số 1 tại thị trường Việt Nam.
Hãng đã có những bước đi như thế nào để “đối đầu” với các thương hiệu hàng không giá rẻ – đã và đang triển khai rất nhiều chiến lược PR rầm rộ. Hãy cùng với iGenZ tìm hiểu và phân tích chi tiết chiến lược marketing của Vietnam Airlines qua bài viết dưới đây nhé.
Hành trình xây dựng thương hiệu của hãng hàng không Quốc gia – Vietnam Airlines

Vietnam Airlines (VNA) là hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, trực thuộc Tổng công ty hàng không Việt Nam. Tính đến tháng 7/2016, tỷ lệ vốn nhà nước tại Vietnam Airlines chiếm tới 86.19%. Là lực lượng chủ lực của vận tải hàng không tại Đông Nam Á. Hiện khai thác hơn 97 đường bay tới 18 điểm nội địa và 35 điểm quốc tế, với trung bình khoảng 400 chuyến bay mỗi ngày.
Ngày 10/6/2010, Vietnam Airlines chính thức gia nhập Liên minh hàng không Skyteam – khẳng định vị thế của thương hiệu trên bản đồ hàng không thế giới. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn sở hữu một trong những đội bay trẻ và tàu bay hiện đại nhất châu Á như Boeing 787-9, Boeing 787-10 Dreamliner, Airbus A350-900 XWB, Airbus A321neo.

Năm 2015, hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines chiếm tới hơn 80% thị phần khách quốc tế đi và đến Việt Nam, chiếm 70% thị phần khách nội địa. Bước chuyển mình giúp cho Vietnam Airlines giữ vững vị trí hãng hàng không số 1 tại Việt Nam có lẽ là sự tái cấu trúc, thay đổi logo nhận diện thương hiệu bằng biểu tượng “bông sen vàng”. Chính những sự đổi mới đó đã cho thấy chiến lược Marketing của Vietnam Airlines có sự đầu rất bài bản.
Điểm đặc biệt trong chiến lược marketing của Vietnam Airlines
Vietnam Airline định vị mình là “hãng hàng không cao cấp”
So với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường, Vietnam Airlines chiếm ưu thế hơn hẳn khi được gọi với cái tên “hãng hàng không Quốc gia Việt Nam”. Danh xưng này đã tạo ra một lợi thế rất lớn cho hãng trong việc định vị thương hiệu, thu hút được lượng lớn khách hàng tiềm năng tin tưởng và sử dụng dịch vụ của mình. Mặc cho giá vé có sự chênh lệch lớn với các hãng khác. Ở Việt Nam, sự tin tưởng dành cho doanh nghiệp thuộc “nhà nước” rất cao. Chính vì thế, mặc dù giá vé của VietJet Air hay Bamboo Airway rẻ hơn, nhưng Vietnam Airlines vẫn được đông đảo khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Ngay từ ban đầu, Vietnam Airlines đã định hướng mình là hãng hàng không cao cấp. Nên việc tạo dựng hình ảnh của hãng cũng khác hẳn so với các hãng hàng không giá rẻ khác. Trong bộ nhận diện thương hiệu, Vietnam Airlines tập trung chủ yếu vào các tông màu nhã nhặn, rất “Việt Nam”. Cụ thể với tiếp viên nữ mặc trang phục áo dài, tiếp viên nam mặc gile với tone màu chủ đạo vàng và xanh. Cùng sự chăm chút đến từng chi tiết nhỏ trong chất lượng và dịch vụ, cũng đủ cho thấy được tầm nhìn chiến lược Marketing của Vietnam Airlines. Đây cũng chính là điểm lợi thế giúp hãng có thể cạnh tranh trong bối cảnh ngành hàng không tại Việt Nam đang rất “hot”.
Mở rộng hệ thống đại lý phân phối toàn quốc
Hệ thống mạng lưới phân phối của Vietnam Airlines trong những năm gần đây được mở rộng một cách nhanh chóng, bao phủ toàn thị trường, có mặt tại 4 châu lục trên thế giới – đây là thành tích vô cùng ấn tượng với một thương hiệu Việt. Tính đến cuối tháng 12/2016, tổng đại lý PSA, BSP của Vietnam Airlines đã lên tới con số 10.240 phòng vé. Chiến lược Marketing của Vietnam Airlines trong việc phân phối phòng vé tại các quốc gia được cho như sau:
- Tại Việt Nam: hoa hồng 0%, chiết khấu 2% doanh thu quốc tế.
- Tại Đông Bắc Á: hoa hồng 7%, ngoài ra Vietnam Airlines còn áp dụng chính sách chiết khấu cho các đại lý “key agent” với mức chiết khấu 1% và 2% doanh thu.
- Tại thị trường châu Âu: hoa hồng 5%, sử dụng chính sách giá linh hoạt và chính sách sản phẩm trong cạnh tranh.

Các kênh phân phối của Vietnam Airlines rất chú trọng việc áp dụng yếu tố công nghệ vào quy trình bán vé của mình. Để mang đến những trải nghiệm mua hàng tuyệt vời nhất dành cho khách hàng. Website của hãng được thiết kế với giao diện bắt mắt, thao thao tác mua vé dễ dàng giúp tiếp cận với khách hàng mục tiêu một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đã liên kết thành công với một số trang web du lịch nổi tiếng, với hàng triệu người dùng như Traveloka, Booking, Agoda,…Để giúp khách hàng tiếp cận với những chuyến bay của mình một cách đa dạng hơn.

Phòng vé của hãng bao phủ toàn quốc, đâu đâu cũng thấy những cửa hàng – đại lý bán vé của Vietnam Airlines. Điều này giúp cho khách hàng có thể dễ dàng mua vé của hãng ở bất cứ đâu từ online đến offline. Đây được coi là bước đi đúng đắn về kênh phân phối trong tổng thể chiến lược Marketing của Vietnam Airlines.
Xây dựng hình ảnh “sạch” thông qua truyền thông và PR
1. Các kênh truyền thông được Vietnam Airlines sử dụng
- Quảng cáo thông qua báo chí
Đây được xem là phương tiện quảng cáo hữu hình, nhằm nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp – hạng thương gia, thường xuyên đọc tin tức trên báo. Hãng lựa chọn những đầu báo uy tín, có phạm vi phát hành trên toàn quốc như: Thanh Niên, Lao Động,…Ở thị trường nước ngoài Vietnam Airlines sử dụng các đầu báo sau: Goodweeken, Travel Trade,…để quảng bá dịch vụ của mình.
- Quảng cáo thông qua truyền hình
Chi phí quảng cáo trên truyền hình vào những khung giờ vàng khá cao. Vì vậy, hãng thường sử dụng những video ngắn trên các kênh quốc gia như VTV để quảng bá cho thương hiệu.

- Quảng cáo thông qua Internet
Sử dụng trang web chính thức để quảng bá dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong tổng thể chiến chiến lược Marketing của Vietnam Airlines. Thông qua website, hãng có thể cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn cách đặt vé cho khách hàng.
2. PR thương hiệu “sạch”
Với tư cách là hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines luôn có các chuyến bay đưa người Việt sinh sống ở nước ngoài trở về nước, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra. Bên cạnh đó, hãng còn tài trợ cho các sự kiện quốc gia (Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ), văn hóa – xã hội, giáo dục,… và giúp đỡ cộng đồng. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng chương trình “Vẻ đẹp tiềm ẩn”, “SVietnam” nhằm giới thiệu những nét đặc trưng, nổi bật về văn hóa – xã hội, đất nước và con người Việt Nam. Là một hãng hàng không, nên bước đi này của hãng nhắm vào sự gia tăng độ nhận diện thương hiệu của mình với người dân. Điều này chứng tỏ chiến lược Marketing của Vietnam Airlines có kế hoạch truyền thông và PR vô cùng tốt. Hãng đã thu hút về hàng triệu khách hàng tiềm năng trung thành với dịch vụ của mình.

Tạm kết
Mặc dù phải chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh từ các hãng hàng không giá rẻ trong nước và hãng hàng không cao cấp nước ngoài. Thế nhưng, hãng vẫn có một chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam, chính là nhờ vào chiến lược Marketing của Vietnam Airline và tầm nhìn của ban lãnh đạo công ty.
Đọc thêm:
- Chiến lược Marketing của Viettel – Thương hiệu Việt vươn tầm Thế giới
- Phân tích chiến lược marketing của Vinamilk – Ông vua ngành Sữa Việt Nam
- Phân tích chiến lược marketing của Phúc Long Coffee & Tea
- Chiến lược marketing của Vietravel – Thương hiệu du lịch hàng đầu Việt Nam
- Phân tích chiến lược marketing của MB Bank