Được đánh giá là tập đoàn Viễn thông và Công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam. Là một trong số những doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất Thế giới. Nằm trong top 15 các công ty viễn thông toàn cầu về số lượng thuê bao. Viettel đã đánh dấu sự phát triển của mình khi có mặt tại 13 quốc gia, ở 3 châu lục gồm: châu Á, châu Mỹ và châu Phi.
Để gặt hái được thành công như ngày hôm nay, thương hiệu với slogan “Hãy nói theo cách của bạn” đã có những chiến lược chuyển đổi mình như thế nào? Cùng iGenZ tìm hiểu xem chiến lược marketing của Viettel có gì đặc biệt qua bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan sơ lược về tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel
Viettel có tên gọi đầy đủ là Tổng công ty Viễn thông Viettel, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội. Là doanh nghiệp kinh tế quốc phòng với 100% vốn nhà nước. Chịu trách nhiệm kế thừa quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Viễn thông Quân đội. Hiện Viettel là doanh nghiệp có tập khách hàng lớn nhất tại Việt Nam với hơn 70 triệu người dùng.
Tháng 6/2018, chỉ sau 10 ngày khai trương ở Myanmar, Viettel đã xác lập kỷ lục với 1 triệu thuê bao. Năm 2020, khi các doanh nghiệp đang lao đao, cố cầm cự vì đại dịch Covid – 19. Thì Viettel lại ghi dấu ấn với doanh thu hơn 264 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với thời kỳ năm 2019. Khẳng định giá trị thương hiệu số 1 Đông Nam Á, xếp thứ 9 khu vực châu Á với định giá thương hiệu lên đến 5,8 tỷ USD.
Phân tích chi tiết chiến lược marketing của Viettel
Chiến lược định vị giá thấp
Vào thời điểm khi vừa mới ra mắt, Viettel đã gặp phải hai đối thủ “nặng ký” là Vinaphone và Mobifone. Nhận thấy thị trường ở nước ta thời điểm năm 2000 vô cùng tiềm năng. Vì vậy, hãng đã nhanh chóng cho ra mắt các chiến dịch phủ rộng và nhận diện thương hiệu trên khắp cả nước. Nhằm thu hút sự chú ý và khai thác nguồn khách hàng tiềm năng cho tập đoàn.
Hãng đã sử dụng chiến lược giá thấp để “thâm nhập thị trường”, để tất cả người dân đều có thể tiếp cận các dịch vụ của họ. Viettel định vị mình là một thương hiệu “bình dân”, để cả những nhóm đối tượng thu nhập thấp hoặc chưa có thu nhập như: học sinh – sinh viên, vùng nông thôn,…vẫn có thể sử dụng – tệp khách hàng vốn không được Mobifone và Vinaphone đầu tư nhiều. Đây chính là cách mà tập đoàn đã triển khai để tấn công và phủ sóng toàn thị trường trong thời gian đầu khi vừa ra mắt.
Chiến lược kích cầu và đa dạng hóa hệ sinh thái của Viettel
Năm 2000, Viettel đưa ra bảng giá dịch vụ cước viễn thông khá cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam ở thời điểm đó. Để thu hút khách hàng và đánh vào tâm lý thích trải nghiệm và mua hàng “ngon – bổ – rẻ”. Hãng đã tung ra hàng loạt khuyến mãi và chương trình giảm giá, kích thích sự bùng nổ của thị trường viễn thông. Cũng vào thời điểm đó, các thương hiệu nước ngoài bắt đầu lấn sân sang thị trường Việt. Nhưng với những chính sách đầy khôn ngoan của Viettel đã tạo ra rào cản lớn.
Tận dụng lợi thế về dịch vụ viễn thông, cùng với tệp khách hàng sẵn có. Viettel liên tục mở rộng hệ sinh thái viễn thông của mình bằng cách cho ra mắt một số ứng dụng với nhiều trải nghiệm tiện ích cho người dùng, cụ thể như:
- Mocha: đây là ứng dụng nhắn tin – trò chuyện miễn phí dành riêng cho đối tượng khách hàng sử dụng mạng Viettel.
- Keeng: mạng xã hội âm nhạc cho phép người dùng nghe và tải nhạc chất lượng cao.
- BankPlus: ứng dụng thanh toán, nạp tiền, chuyển tiền qua điện thoại.
- ViettelPay: ví điện tử – ngân hàng số của người Việt, cho phép người dùng chuyển tiền qua ngân hàng và liên ngân hàng, hỗ trợ thanh toán,…
Ngoài ra phải kể đến các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ quản lý, chăm sóc khách hàng của Viettel. Tất cả sản phẩm đó cho thấy được tầm nhìn chiến lược marketing của Viettel hướng đến một cuộc sống “tiện ích” cho người Việt. Hãng lấy sự thành công của thị trường trong nước làm bước đệm, tận dụng mọi nguồn lực, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái sẵn có. Năm 2008, Viettel đã chính thức “vươn tầm” ra thế giới và gặt hái được rất nhiều thành công, nhờ đó mở rộng thêm quy mô.
Chiến lược đánh đúng vào tâm lý khách hàng
1. Xây dựng hình ảnh gần gũi trong mắt người dùng
Phải công nhận chiến lược marketing của Viettel rất thành công khi đã tạo ra một slogan có sức ảnh hưởng và bao phủ toàn thị trường đến như vậy. Theo nghiên cứu cho rằng, có tới hơn 90% dân số Việt Nam biết đến thương hiệu thông qua câu slogan “Hãy nói theo cách của bạn”. Không chỉ thế, Viettel còn đặc biệt quan tâm đến giáo dục và cộng đồng. Hãng thường xuyên có những chương trình từ thiện thiết thực cho người dân nghèo vùng biên giới, xây dựng đường truyền cáp quang băng siêu rộng đến từng ngôi trường ở Việt Nam. Chính những hình ảnh gần gũi này đã chiếm trọn trái tim của hàng triệu người dân Việt. Đây cũng là yếu tố giúp Viettel trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành viễn thông tại thị trường Việt Nam.
2. Thay đổi bộ nhận diện thương hiệu
Tháng 1/2021, Viettel chính thức thay đổi bộ định vị thương hiệu, lấy sắc đỏ làm chủ đạo và câu slogan theo cấu trúc mở “Theo cách của bạn”. Tập đoàn muốn truyền tải thông điệp Viettel sẽ luôn đứng phía sau để truyền cảm hứng, khuyến khích sự sáng tạo của khách hàng và mong muốn mỗi người sẽ thể hiện bản thân theo một cách riêng. Viettel chính là doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc kiến tạo xã hội số ở Việt Nam. Đưa công nghệ viễn thông vào mọi lĩnh vực của đời sống. Giúp Việt Nam ghi tên mình lên bản đồ viễn thông thế giới, trở thành một trong những nước có nền viễn thông phát triển nhất hiện nay.
Khẳng định “Mặt trời không bao giờ lặn tại Viettel”
Viettel đã vươn mình, mở rộng khai thác sang thị trường nước ngoài và đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Với những thành công đã đạt được, cho thấy chiến lược marketing của Viettel – Ông vua ngành viễn thông tại Việt Nam như một minh chứng cho khát vọng vươn tầm thế giới. Là thương hiệu số 1 trên thị trường viễn thông của nhiều quốc gia, tiêu biểu phải kể đến Unitel – Lào và Metfone – Cambodia.
Bên cạnh đó, Viettel rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng trong dịch vụ viễn thông. Tại các quốc gia kém phát triển, tập đoàn xác định được lượng khách hàng sinh sống tại vùng nông thôn cực lớn. Nên khi vừa đặt chân đến những quốc gia này, hãng đã cho xây dựng mạng lưới hạ tầng sâu – rộng, nỗ lực phủ sóng lên tới 80 – 90% dân số. Khác hoàn toàn với chiến lược kinh doanh của các đối thủ, khi chỉ tập trung chủ yếu vào tệp đối tượng khách hàng ở thành thị. Viettel đã mang mạng di động phủ sóng khắp các vùng sâu, vùng xa và trở thành mạng viễn thông duy nhất được người dân tin dùng.
Năm 2017, tập đoàn có tốc độ tăng trưởng lên tới 9,2% với chiều dài cáp quang đã triển khai tổng cộng lên đến hơn 303.000km tương đương 7 vòng Trái Đất. Sở hữu 265 triệu người dùng sử dụng dịch vụ. Tất cả những con số đã cho thấy sự nỗ lực, khát vọng vươn xa ở thị trường nước ngoài của Viettel.
Tạm kết
Từ một công ty với số vốn vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng, Viettel đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trên thị trường và trở thành tập đoàn có giá trị thương hiệu đứng thứ 2 tại Việt Nam. Điều này đã chứng tỏ được sức mạnh của hãng trong ngành viễn thông toàn cầu. Sự phát triển lớn mạnh của tập đoàn cho thấy tầm nhìn đầu tư và chiến lược marketing của Viettel cực kỳ thông minh và đúng đắn. Viettel giờ đây không chỉ là một tập đoàn viễn thông nội địa mà nó còn lan rộng đến các nước mà hãng đã đặt chân đến. Xứng đáng với những gì mà họ đã khẳng định “Mặt trời không bao giờ lặn tại Viettel”.
Đọc thêm:
- Chiến lược marketing của Tiki – Trang TMĐT hàng đầu Việt Nam
- Phân tích chiến lược marketing của Phúc Long Coffee & Tea
- Phân tích chiến lược marketing của Vinamilk – Ông vua ngành Sữa Việt Nam
- Chiến lược marketing của Vietravel – Thương hiệu du lịch hàng đầu Việt Nam
- Phân tích chiến lược marketing của MB Bank