Trong số tất cả những ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, có thể nói BIDV là một trong những ngân hàng lớn và được rất nhiều người tin tưởng và sử dụng dịch vụ. Để đạt được những thành công này phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực của toàn thể ban lãnh đạo cùng với các chiến lược marketing hiệu quả. Vậy BIDV đã triển khai những chiến lược đó như thế nào? Mời các bạn cùng iGenZ tìm hiểu chiến lược marketing của ngân hàng BIDV qua bài viết sau đây.
Giới thiệu tổng quan về ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam có tên tiếng anh là Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam, viết tắt là BIDV.
BIDV được thành lập vào ngày 26 tháng 4 năm 1957 và là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam tính theo quy mô tài sản năm 2019. Không những thế BIDV còn là doanh nghiệp đứng thứ 10 trong danh sách 1000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2018.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, BIDV được xếp vào loại hình công ty cổ phần với cổ đông Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) chiếm cổ phần chi phối. Ngày 8/4/2021, tạp chí The Asian Banker trao cho Ngân hàng này giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam” năm 2020, đồng thời sản phẩm QuickLoan được giải “Sản phẩm cho vay tiêu dùng tốt nhất Việt Nam”. BIDV là một trong bốn ngân hàng thương mại, thường được gọi là Bộ Tứ (Big 4), với các thành viên còn lại gồm có: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Nhóm bốn ngân hàng này đều có quy mô tài sản, nguồn vốn, doanh thu ở nhóm hàng đầu và đều có Nhà nước đóng vai trò là cổ đông kiểm soát (với BIDV, Vietinbank, Vietcombank) hoặc là chủ sở hữu (với Agribank)
Logo ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV
BIDV thay đổi bộ nhận diện thương hiệu
Từ ngày 26/04/2022, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tiến hành thay đổi và đưa vào sử dụng nhận diện thương hiệu mới.
Theo đó, Ngân hàng vẫn tiếp tục giữ tên viết tắt BIDV và tên đầy đủ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tuy nhiên, thiết kế logo và màu sắc thương hiệu có sự điều chỉnh so với nhận diện cũ.
Cụm chữ “BIDV” được tinh chỉnh mềm mại và uyển chuyển. Chữ V được cách điệu từ góc cánh sao, liên kết phần chữ và phần biểu tượng thành một thể thống nhất, hài hòa.
Biểu tượng mới của thương hiệu BIDV là hình ảnh ngôi sao và hoa mai được kết hợp sáng tạo. Hình ảnh ngôi sao là trung tâm được truyền cảm hứng từ Quốc kỳ Việt Nam song được cách điệu với những đường nét viền mở và chuyển động. Đây cũng là cách thể hiện sự dịch chuyển của BIDV, tinh thần đổi mới phát triển trong thời đại số của Ngân hàng hướng tới sự thân thiện, hiện đại, lấy khách hàng – nguồn nhân lực – chuyển đổi số là trụ cột phát triển, luôn vận động vươn lên.
Màu sắc thương hiệu chủ đạo của BIDV là màu Xanh ngọc lục bảo (một trong tứ đại ngọc quý) được kết tinh hàng triệu năm, màu Xanh tượng trưng cho sự sống, trường tồn và khát vọng phát triển bền vững của BIDV. Màu bổ trợ là màu Vàng hoa mai tạo diện mạo tươi mới, năng động, nhiệt huyết. Màu vàng cũng là màu sắc thể hiện bản sắc nghề tài chính ngân hàng.
Việc điều chỉnh nhận diện thương hiệu mới là bước đi nằm trong chiến lược của BIDV nhằm đem đến một hình ảnh ngân hàng năng động, thân thiện luôn sẵn sàng với sứ mệnh mang lại tiện ích và lợi ích cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng xã hội. Với mục tiêu trở thành một ngân hàng có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục có những chuyển mình quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp các sản phẩm dịch vụ với chất lượng cao và đồng hành, kết nối với mọi khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Logo mới của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Phân tích chiến lược marketing mix của ngân hàng BIDV
Chiến lược marketing về sản phẩm của ngân hàng BIDV (Product)
Product – Sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng trong mô hình marketing Mix. Một doanh nghiệp có sản phẩm dịch vụ tốt sẽ được thị trường đón nhận, ngược lại nếu sản phẩm không đạt chất lượng sẽ bị đào thải khỏi thị trường.
Ngân hàng BIDV sử dụng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tài chính để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời đem lại nhiều doanh thu. Các sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng BIDV cung cấp hiện nay gồm có:
- Sản phẩm tư vấn đầu tư
- Thẻ BIDV Premier
- Thẻ BIDV Infinite
- Bảo hiểm nhân thọ
- Dịch vụ chứng khoán BSC
- Giải pháp tài chính tinh hoa BIDV Premier
Không chỉ vậy các sản phẩm của BIDV còn có chất lượng và dịch vụ vượt trội, khách hàng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm dịch vụ này. Cụ thể như:
Đối với sản phẩm tư vấn đầu tư khách hàng sẽ được hỗ trợ bởi hệ thống hỗ trợ tư vấn đầu tư thông minh kết hợp với trí tuệ nhân tạo và phân tích truyền thông, đồng thời BIDV còn có đội ngũ chuyên gia tư vấn cao cấp luôn luôn trợ khách hàng mọi lúc mọi nơi.
Đối với các sản phẩm thẻ, các sản phẩm thẻ của BIDV đều được thiết kế đẹp mắt, sang trọng, đi cùng với đó là rất nhiều ưu đãi hấp dẫn như: Hạn mức tín dụng cao mà không cần phải chứng mình tài chính và có thể nâng hạn mức theo yêu cầu, miễn phí các dịch vụ BIDV e-Banking, nhận nhiều ưu đãi khi thanh toán, hỗ trợ các thông tin du lịch, hoạch định chuyến đi, hỗ trợ chuyến bay.
Sản phẩm thẻ BIDV cung cấp
Đối với dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, khi tham gia khách hàng sẽ được nhận các ý kiến, lời khuyên đến từ các Giáo sư, Bác sĩ thuộc 100 bệnh viện nổi tiếng nhất thế giới, được tham gia hội thảo chuyên đề dành cho các khách hàng về tư vấn tài chính, sức khỏe, giáo dục và được hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn khác.
Bằng việc đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ của mình, BIDV đã thể được mình là một đơn vị ngân hàng uy tín và chuyên nghiệp, tạo được lòng tin đối với khách hàng. Từ đó BIDV trở thành một điểm đến được nhiều khách hàng lựa chọn.
Chiến lược marketing về giá của ngân hàng BIDV (Price)
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính – ngân hàng, chính vì vậy mà chiến lược giá của ngân hàng BIDV sẽ không giống như các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa. Giá cả trong hoạt động ngân hàng chính là chi phí mà khách hàng phải trả cho ngân hàng để được sử dụng các dịch vụ do ngân hàng cung cấp.
Thông thường rất khó có thể xác định cơ cấu chi phí trong hoạt động ngân hàng do nó còn tùy thuộc vào sự quan tâm của các ngân hàng đối với việc cung ứng các dịch vụ tổng hợp cho khách hàng của mình (được gọi là các dịch vụ liên kết).
Đối với chiến lược marketing về giá (Price), ngân hàng BIDV sử dụng chiến lược định giá sản phẩm theo giá trị (Value-Based Pricing Strategy)
Chiến lược định giá sản phẩm theo giá trị là việc xác định mức giá khách hàng sẵn sàng chi trả để sở hữu sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp cung cấp dựa trên giá trị của sản phẩm dịch vụ đó đem lại.
BIDV định giá các sẩn phẩm, dịch vụ của mình dựa trên giá trị cảm nhận sản phẩm của khách hàng. Chính vì vậy, ngân hàng BIDV sử dụng những yếu tố phi giá trong chương trình Marketing để xây dựng giá trị được cảm nhận trong tâm trí của khách hàng sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên để có được một mức giá phù hợp với từng nhóm khách hàng, đảm bảo lợi nhuận cho khách hàng cũng như ngân hàng và phù hợp với giá cả của đối thủ cạnh tranh thì BIDV cần liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình để có thể định giá sản phẩm đúng với giá trị mà khách hàng nhận được.
Chiến lược marketing về phân phối của BIDV (Place)
Trong chiến lược marketing mix, phân phối cũng là một yếu tố rất quan trọng. Nó tác động mạnh mẽ đến việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng BIDV. Hiểu được điều này, BIDV đã xây dựng một chiến lược phân phối rộng khắp trên cả nước và liên tục mở rộng hệ thống kênh phân phối của mình.
Hiện nay mạng lưới ngân hàng BIDV có 114 chi nhánh và trên 500 điểm mạng lưới, hàng nghìn ATM/POS tại 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Mạng lưới phi ngân hàng của BIDV gồm các Công ty Chứng khoán Đầu tư (BSC), Công ty Cho thuê tài chính I & II, Công ty Bảo hiểm Đầu tư (BIC) với 20 chi nhánh trong cả nước…BIDV cũng hiện diện thương mại tại nước ngoài: Lào, Campuchia, Myanmar, Nga, Séc.
Ngoài ra, BIDV cũng liên doanh với nước ngoài: Ngân hàng Liên doanh VID-Public (đối tác Malaysia), Ngân hàng Liên doanh Lào -Việt (với đối tác Lào), Ngân hàng Liên doanh Việt Nga – VRB (với đối tác Nga), Công ty Liên doanh Tháp BIDV (đối tác Singapore), Liên doanh quản lý đầu tư BIDV – Vietnam Partners (đối tác Mỹ)…
BIDV tăng số lượng ATM lên con số gần 1.000 máy và 1.000 điểm POS, đứng thứ 4 trong hệ thống ngân hàng thương mại về hệ thống kênh phân phối hiện đại, là một trong hai ngân hàng thương mại có mạng lưới kênh phân phối phủ khắp trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố.
Ngoài ra BIDV cũng tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trên các lĩnh vực: Xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Web Chat, Facebook, Youtube…; Xây dựng đồng thời các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch; Chuyển đổi quy trình thủ công tại quầy lên quy trình tự động vận hành trên các kênh ngân hàng số đối với hoạt động chuyển khoản, thanh toán, trả nợ vay, gửi tiền online, quản lý và trả nợ thẻ tín dụng; Phối hợp triển khai một số sản phẩm sáng tạo như: Samsung Pay, QR Pay, Chat-bot trên ứng dụng Mobile banking, Swift GPI, rút tiền ATM trên điện thoại; Phát triển ứng dụng BIDV Home; ứng dụng Blockchain, công nghệ mới về Robotics và trí tuệ nhân tạo. Từ đó giúp khách hàng có thể giao dịch một cách thuận tiện nhất mà không phải đến các quầy giao dịch.
Chi nhánh giao dịch BIDV
Chiến lược marketing về xúc tiến của BIDV (Promotion)
Quảng cáo
Trong chiến lược quảng cáo, ngân hàng BIDV cũng thực hiện rất nhiều chiến dịch quảng cáo nhằm quảng bá hình ảnh của mình gần hơn với khách hàng trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng như trên các chương trình Tivi, VTV1, VTV3…
https://www.youtube.com/watch?v=tBgDyY6nAEo
Quảng cáo BIDV trên VTV3 – Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công
Quảng cáo ngoài trời cũng là một hình thức được BIDV sử dụng để tăng cường độ nhận diện thương hiệu trên thị trường. Những pano quảng cáo của BIDV được đặt tại những nơi có đông lượng người qua lại như các ngã 3, ngã 4, đường cao tốc…
Pano quảng cáo ngoài trời của BIDV và Vietcombank
Không chỉ vậy, BIDV còn thực chiến dự án quảng cáo trên xe taxi của các hãng như Taxi Group, Mai Linh
Quảng cáo trên xe Taxi của BIDV
Quảng cáo trên xe Taxi của BIDV
Hoạt động xã hội
Bên cạnh những chiến dịch quảng cáo, thì hoạt động xã hội cũng là một trong những hoạt động quảng bá thương hiệu hiệu quả không những xây dựng một hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội mà còn thu hút được sự quan tâm, chú ý của cộng đồng.
Ngày 30/3/2022, tại tỉnh Hà Tĩnh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức khánh thành Nhà cộng đồng tránh lũ tại xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) và khởi động chương trình trồng mới 38.000 cây phòng hộ ven biển tại xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà).
Đây là hành động thực hiện cam kết xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ và trồng cây xanh từ kết quả đóng góp của vận động viên tham gia Giải chạy “BIDVRUN – Cho cuộc sống Xanh 2021”; đồng thời là hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi chương trình hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống BIDV (26/4/1957 – 26/4/2022).
BIDV khánh thành nhà cộng đồng tránh lũ và trồng cây phòng hộ ven biển tại Hà Tĩnh
Khuyến mại
Khuyến mãi là một trong những chương trình không thể thiếu trong bất cứ chiến dịch marketing nào. Các chương trình khuyến mãi mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp bao gồm việc kích thích nhu cầu tiêu dùng, gia tăng doanh số bán hàng, giảm tải lượng hàng tồn kho và nghiên cứu nhu cầu thị trường cho sản phẩm mới.
Chính vì vậy, BIDV cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng như:
- Giảm lãi suất vay vốn
- Ưu đãi thanh toán khi mở thẻ
- Ưu đãi chơi Golf tới 50% cho các chủ thẻ cao cấp
- Và nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn khác…
Gần đây nhất là chương trình BIDV miễn toàn bộ phí trên kênh số, tri ân khách hàng nhân kỷ niệm 65 năm. Thực hiện chủ trương “Chuyển đổi số quốc gia”, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Từ ngày 1/1/2022, khách hàng cá nhân được miễn toàn bộ phí khi giao dịch trên BIDV SmartBanking, bao gồm: Phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống BIDV; Phí duy trì dịch vụ; Phí quản lý 1 tài khoản; Phí tin nhắn OTT…
Chương trình khuyến mãi tri ân khách hàng nhân kỷ niệm 65 năm của ngân hàng BIDV
Kết luận
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng với đó là các chiến lược marketing hiệu quả. Vào ngày 25/03/2022 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xuất sắc vượt qua các tiêu chí đánh giá của Hội đồng bình chọn và được trao đồng thời 4 giải thưởng quan trọng là: “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu 2021”; “Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu 2021”; “Sản phẩm dịch vụ sáng tạo tiêu biểu” và “Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng”. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của BIDV trong hoạt động số hóa các sản phẩm dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng và chất lượng dịch vụ; duy trì hình ảnh là ngân hàng tốt nhất dành cho khách hàng cá nhân
Xem thêm:
- Phân tích chiến lược marketing của MB Bank
- Phân tích chiến lược marketing của Yakult tại Việt Nam
- Phân tích chiến lược marketing của Vinamilk – Ông vua ngành Sữa Việt Nam
- Phân tích chiến lược marketing của Phúc Long Coffee & Tea – Hành trình của thương hiệu Trà và Cà phê Việt
- Phân tích chiến lược marketing của Hoà Phát