Là một thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng toàn cầu. KFC được biết đến và yêu thích bởi những món gà rán giòn tan, đậm vị cùng với đó là những món đồ ăn nhanh tiện lợi. Cho đến nay, thương hiệu này đã có hơn 20.000 nhà hàng KFC tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Để đạt được sự thành công này, một phần phụ thuộc rất lớn vào những chiến lược marketing của hãng. Vậy KFC đã làm marketing như thế nào? Mời các bạn cùng iGenZ tìm hiểu chiến lược marketing của KFC qua bài viết dưới đây.
Giới thiệu tổng quan về KFC
KFC là một chuỗi các cửa hàng đồ ăn nhanh của Hoa Kì, chuyên về các sản phẩm gà rán cùng với các món ăn kèm theo và các loại sandwiches chế biến từ thịt gà tươi.
Thương hiệu này được Colonel Harland Sanders thành lập vào ngày 20/03/1930 tại North Corbin, Kentucky và trụ sở chính hiện nay được đặt tại Louisville, Kentucky. Trong đó KFC là cụm từ viết tắt của Kentucky Fried Chicken – Gà Rán Kentucky.
Sản phẩm gà rán ban đầu của KFC là những miếng gà rán truyền thống Original Recipe. Được Sanders khám phá ra với “Công thức 11 loại thảo mộc và gia vị” – Cho đến nay, công thức này vẫn là một bí mật thương mại. Những phần gà lớn sẽ được phục vụ trong một chiếc “Xô gà” và đây đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt của nhà hàng kể từ khi được giới thiệu lần đầu bởi Pete Harman vào năm 1957. Cho đến nay, KFC đã mở rộng thực đơn của mình nhằm đáp ứng được nhiều nhu cầu đa dạng của khách hàng như bánh mì kẹp phi lê gà và cuộn, xa lách và các món ăn phụ đi kèm, khoai tây chiên và các món tráng miệng, nước ngọt… KFC được biết đến với câu khẩu hiệu “Finger Lickin’ Good” (Vị ngon trên từng ngón tay), hay “Nobody does chicken like KFC” (Không ai làm thịt gà như KFC) và “So good” (Thật tuyệt).
KFC thâm nhập thị trường Việt Nam vào năm 1997 với cửa hàng đầu tiên tại tại Trung tâm Thương mại Sài Gòn Super Bowl. Ban đầu thương hiệu đã phải đối mặt được với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với những chiến lược marketing thành công của mình, cho đến nay KFC đã phát triển tới hơn 153 nhà hàng, có mặt tại hơn 36 tỉnh/thành phố lớn trên cả nước, sử dụng hơn 3.000 lao động đồng thời cũng tạo thêm nhiều việc làm trong ngành công nghiệp bổ trợ tại Việt Nam.
Phân tích chiến lược marketing Mix của KFC tại Việt Nam
Hương vị độc đáo, phong cách phục vụ thân thiện, hết lòng vì khách hàng và bầu không khí nồng nhiệt, ấm cúng tại các nhà hàng là ba chìa khóa chính mở cánh cửa thành công của KFC tại Việt Nam cũng như trên thế giới. KFC Việt Nam đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực mới và đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành công nghiệp thức ăn nhanh tại Việt Nam.
Chiến lược marketing về sản phẩm của KFC (Product)
Có thể nói, sản phẩm – Product là yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược marketing 4P của KFC, đặc biệt trong ngành hàng F&B. Sản phẩm của KFC nổi tiếng với những món gà rán thơm ngon, hấp dẫn được chế biến từ sự pha trộn của hơn 30 phương thức tẩm ướp gia vị đặc biệt từ 11 loại hương vị thảo mộc và gia vị khác nhau do Harland Sanders tìm ra. Cho đến nay, công thức này vẫn là một bí mật thương mại đặc biệt, tạo nên sự thành công của KFC.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, chiến lược marketing về sản phẩm của KFC còn đặc biệt ở chỗ: Hãng đã áp dụng thành công chiến lược bản địa hóa và đa dạng hóa sản phẩm của mình khi chinh phục mỗi thị trường khác nhau. Trước khi đến các quốc gia, hãng đều tìm hiểu kỹ lưỡng nền văn hóa ẩm thực nơi đây, từ đó điều chỉnh thực đơn sao cho phù hợp nhất với văn hóa và thói quen ăn uống riêng của từng đất nước.
Cụ thể, tại các nước Hồi giáo và Trung Đông, KFC phục vụ gà Halal, tại Ấn Độ KFC cung cấp các loại bánh kẹp chay và suất cơm chay để phục vụ các khách hàng ăn chay.
Đặc biệt, khi đến với Việt Nam, ngoài đem đến những món ăn nguyên bản của mình, KFC còn chế biến thêm một số món ăn phù hợp khẩu vị người Việt như: Gà Big’n Juicy, Gà Giòn Không Xương, Cơm Gà KFC, Bắp Cải Trộn… Không chỉ vậy, hãng còn phát triển và bổ sung một số món mới như Bơ-gơ Tôm, Lipton, Bánh Egg Tart, để tăng thêm sự đa dạng hóa sản phẩm. Vì vậy mà khách hàng tại Việt Nam có nhiều sự lựa chọn hơn và say mê vị gà của KFC hơn.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhận thấy rằng người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến sức khỏe của mình hơn và những tác động tiêu cực của thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ đối với sức khỏe. KFC đã tập chung nghiên cứu và tạo ra một loại dầu chiên gà ít béo nhằm chú trọng tới sức khỏe của khách hàng. Loại dầu chiên này được sản xuất từ đậu nành, ít hydro và tạo ra ít axit béo no từ đó tốt cho sức khỏe tim mạch hơn các loại dầu chiên khác. Ngoài ra, KFC cũng chú trọng và đảm bảo nguồn cung thịt gà sạch và uy tín.
Đây là một động thái được đánh giá rất cao của KFC, giúp khách hàng tin tưởng, an tâm khi sử dụng các sản phẩm đến từ hãng.
Chiến lược marketing về giá của KFC (Price)
Đối với chiến lược giá của KFC, hãng đã có những chiến lược giá khác nhau cho mỗi giai đoạn khi xâm nhập thị trường.
- Thâm nhập thị trường: Lúc mới gia nhập thị trường Việt Nam, người dân vẫn còn bỡ ngỡ và xa lạ với đồ ăn nhanh cùng hương vị rất “Tây”. Để có thể hấp dẫn và lôi kéo khách hàng đến thử sản phẩm cũng như làm quen với thương hiệu, KFC đã sử dụng chiến lược định giá thấp. Chiến lược giá này là một bước đi cực kì đúng đắn khi sau gần 10 năm chịu lỗ, cho đến năm 2006 KFC đã bắt đầu có lãi đồng thời lượng khách hàng đến với thương hiệu này cũng tăng vọt.
- Cạnh tranh: Thời gian tiếp theo, sau khi đã bước đầu ổn định tại thị trường Việt, cùng với đó có rất nhiều đối thủ của KFC lần lượt xuất hiện. Hãng đã chuyển sang chiến lược định giá cạnh tranh. Theo đó mức giá của hãng được đưa ra cao hơn so với đối thủ nhưng không đáng kể. Điều này được đánh giá là một động thái tạo hình ảnh dẫn đầu cũng như là một bước đi đánh vào tâm lý khách hàng “Giá cao hơn đồng nghĩa với chất lượng và dịch vụ tốt hơn”
Ngoài 2 chiến lược định giá trên, KFC còn đưa ra chiến lược định giá nhắm vào nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, đó chính là nhóm tầng lớp trung lưu và thương lưu. Theo đó thương hiệu này đã linh hoạt sử dụng các chiến lược định giá khác nhau như:
Định giá tùy chọn: KFC kết hợp với chiến lược bán chéo nhằm cố gắng gia tăng số tiền chi tiêu của khách hàng khi họ bắt đầu mua sản phẩm. Khách hàng có thể mua các món chính trong thực đơn, đồng thời lựa chọn mua thêm các món bổ sung hoặc món phụ, món tráng miệng phù hợp với món chính đã mua.
Định giá theo gói: KFC tiến hành gộp các sản phẩm của mình, từ đó tạo thành các gói combo cung cấp cho khách hàng với mức giá ưu đãi hơn so với việc mua lẻ. Với chiến lược này, KFC đã khuyến khích khách hàng mua nhiều sản phẩm hơn. Cùng với đó các combo cũng được triển khai một cách hết sức linh hoạt, đáp ứng đúng sở thích phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt.
Chiến lược marketing về phân phối của KFC (Place)
Đối với chiến lược marketing về phân phối, Vào năm 1997, KFC đã khai trương nhà hàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến nay, hệ thống các nhà hàng của KFC đã phát triển tới hơn 153 nhà hàng, có mặt tại hơn 36 tỉnh/thành phố lớn trên cả nước. Trong đó, các cửa hàng tập trung nhiều hơn tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vì đây được coi là tập trung nhóm khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp.
Không chỉ phát triển các kênh phân phối truyền thống. Khách hàng cũng có thể dễ dàng mua các phần KFC bằng cách:
- Gọi điện trực tiếp thông qua tổng đài hỗ trợ: 1900 6886
- Đặt hàng qua website: https://kfcvietnam.com.vn/
- Đặt hàng qua ứng dụng “KFC Việt Nam” trên điện thoại iOS và Android
Không chỉ vậy, KFC còn kết hợp với các ứng dụng giao đồ ăn như Now, Grabfood, Gofood, Baemin, Shopee Food… Đem đến sự tiện lợi cho khách hàng.
Chiến lược marketing về xúc tiến của KFC (Promotion)
Chiến dịch quảng cáo của KFC
Đối với các chiến dịch quảng cáo, KFC đã sử dụng rất đa dạng các hình thức quảng cáo như TV, tạp chí, quảng cáo trực tuyến, quảng cáo ngoài trời… để quảng bá thương hiệu của mình.
Với các chiến lược quảng cáo của mình, KFC chỉ đăng tải khoảng 15-20% thông tin quảng cáo. Những phần trăm nội dung còn lại là những mẩu chuyện vui, những câu châm ngôn hay là những tình huống hài hước, câu hỏi lửng để thu hút độ tương tác của khách hàng trên các kênh truyền thông mạng xã hội. Không chỉ vậy, là một thương hiệu trong lĩnh vực F&B, KFC hiểu tầm quan trọng của hình ảnh đồ ăn đối với khách hàng. Chính vì vậy mà hãng thường xuyên đăng tải hình ảnh đồ ăn đẹp mắt, hấp dẫn, các món mới hay những combo ưu đãi đặc biệt lên mạng xã hội để thu hút khách hàng.
KFC còn tung ra những TVC quảng cáo hấp dẫn hướng tới nhận thức của khách hàng về thương hiệu nước ngoài những lại “rất Việt Nam”. Các TVC này đã làm rõ thông điệp của KFC trong câu slogan “Vị ngon trên từng ngón tay” với hình ảnh thơm ngon khó cưỡng của món gà rán.
TVC quảng cáo “ĂN HÀNH, ĂN BỤI, ĂN NĂN…MÀ SAO CHẲNG BIẾT TRƯA NAY ĂN GÌ?” của KFC
Gần đây nhất, hãng đã thực hiện chiến lược truyền thông KFC hiệu quả khi dùng âm thanh để kích thích vị giác. Khi mà mục tiêu trong chiến lược Marketing Mix của KFC là những người trẻ và họ có tâm lý kích thích bởi thính giác, nên vì vậy hãng tập trung vào mặt âm thanh để có thể hấp dẫn họ đến trải nghiệm ăn uống tại KFC.
Khuyến mãi
Các chương trình khuyến mãi cùng là một phần rất quan trọng trong chiến lược marketing của KFC. Cùng với đó KFC cũng tìm hiểu rất kỹ càng thị hiếu của người Việt khi mua hàng hóa là việc ưa chuộng khuyến mãi. Chính vì vậy, hãng thường xuyên tung ra rất nhiều chương trình khuyến mãi không chỉ áp dụng trong các ngày lễ mà còn áp dụng vào các ngày thường.
Các chương trình khuyến mãi hấp dẫn có thể kể đến như: Thẻ quà tặng giảm giá, tặng thêm 01 miếng gà, 01 phiếu đổi miễn phí 2 cốc Pepsi lớn khi mua 2 cốc Pepsi nhỏ ở lần mua hàng sau. Ngoài ra khách hàng còn có cơ hội nhận các phần quà như laptop, điện thoại, máy nghe nhạc… trong các chương trình khuyến mãi đặc biệt.
Kết luận
Như vậy, với những chiến lược marketing được phân tích và lên kế hoạch kỹ lưỡng của mình, KFC dần khẳng định vị thế của mình và trở thành thương hiệu đồ ăn nhanh duy nhất có lãi và nắm giữ nhiều thị phần tại thị trường Việt Nam.
Xem thêm:
- Phân tích chiến lược marketing của Durex tại Việt Nam
- Phân tích chiến lược marketing của Cocoon
- Phân tích chiến lược marketing của FPT shop
- Chiến lược marketing của Ananas – Thương hiệu giày Việt mang đến sự khác biệt
- Phân tích chiến lược marketing của Vinamilk – Ông vua ngành Sữa Việt Nam
- Chiến lược marketing của Phúc Long Coffee & Tea