Được thành lập từ năm 1968, tại mảnh đất trà trứ danh Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Cho đến nay, sau hơn 50 năm hình thành và phát triển Phúc Long Coffe & Tea đã vươn mình mạnh mẽ trở thành một thương hiệu trà – cà phê nổi tiếng và rất quen thuộc với người tiêu dùng tại Việt Nam. Vậy Phúc Long đã thực hiện những chiến lược marketing như thế nào để đạt được sự thành công như hiện nay. Mời các bạn cùng iGenZ tìm hiểu chiến lược marketing của Phúc Long Coffee & Tea qua bài viết sau đây.
Giới thiệu tổng quan về thương hiệu Phúc Long Coffee & Tea
Phúc Long Coffee & Tea được thành lập tại cao nguyên chè Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bởi ông Lâm Bội Minh vào năm 1968 và cửa hàng bán lẻ đầu tiên của thương hiệu này được đặt tại số 134 đường Tổng Đốc Phương (ngày nay là đường Châu Văn Liêm, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).
Vào những năm 80, Phúc Long bắt đầu mở rộng mô hình kinh doanh của mình trong lĩnh vực trà và cà phê bằng việc khai trương ba cửa hàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh trên đường Lê Văn Sỹ, Trần Hưng Đạo và Mạc Thị Bưởi nhằm giới thiệu sản phẩm trà và cà phê thuần Việt đến với khách hàng trong nước cũng như quốc tế.
Đến năm 2000, công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Phúc Long chính thức được thành lập. 7 năm sau vào năm 2007 thương hiệu Phúc Long đã tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trà tại Thái Nguyên và nhà máy chế biến trà và cà phê tại Bình Dương. Các nhà máy ở đây đều được trang bị nhiều thiết bị và máy móc hiện đại, có chứng nhận HACCP – quy trình đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, với mục tiêu đảm bảo cung ứng nguồn sản phẩm chất lượng, phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Cũng từ đây, Trà Phúc Long đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để có mặt tại các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines…
Vào năm 2012, Phúc Long tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh của mình vào ngành đồ ăn và thức uống (Food & Beverage) với cửa hàng tự phục vụ cùng không gian hiện đại.
Năm 2015, Phúc Long đã xây dựng được 10 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và từng bước định vị thương hiệu gắn liền với những sản phẩm và thức uống trà và cà phê đậm vị trong tâm trí khách hàng.
Năm 2018, Nhà máy chế biến trà và cà phê thứ 2 được xây dựng tại Bình Dương cùng với đó là hơn 40 cửa hàng được Phúc Long xây dựng và mở mới tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội.
Năm 2019, Phúc Long tiếp tục phát triển thêm 70 cửa hàng mới và mở rộng hệ thống của hình trải dài từ Nam ra Bắc.
Trải qua hơn 50 năm phát triển, chắt chiu tinh hoa từ những búp trà xanh và hạt cà phê thương hạng cùng với đó là mong muốn mang lại cho khách hàng những trải nghiệm giá trị nhất khi thưởng thức các sản phẩm của mình. Phúc Long liên tục là thương hiệu tiên phong với nhiều ý tưởng sáng tạo đi đầu trong ngành trà và cà phê.
Phân tích chiến lược marketing của Phúc Long Coffee & Tea
Chiến lược STP (Segmentation Targeting Positioning)
1. Segmentation & Targetting (Phân khúc thị trường & xác định thị trường mục tiêu)
Trong khi các thương hiệu lớn như Starbucks hay The Coffee Bean & Tea Leaf định vị một thương hiệu cao cấp khi nhắm tới các đối tượng chính là những nhân viên văn phòng, khách hàng có thu nhập cao và những vị khách nước ngoài ưa chuộng vị cà phê ngoại. Hoặc thương hiệu cà phê Trung Nguyên định vị thương hiệu tầm trung nhưng xác định rõ phân khúc tầm trung là những khách hàng yêu thích hương vị cà phê truyền thống.
Thì Phúc Long Coffee & Tea đã xác định phân khúc thị trường của mình dựa trên Nhân khẩu học và Tâm Lý học khi nhắm tới phân khúc thị trường là tầng lớp trung lưu có thu nhập ổn định, dân văn phòng “sành” về trà và cà phê.
Có thể nói để có thể cạnh tranh được với những ông lớn trong ngành Cà phê, Phúc Long đã rất thông minh khi lựa chọn được phân khúc thị trường này với số lượng khách hàng đông đảo. Sự lựa chọn chính xác này đã giúp Phúc Long có được một thị trường mục tiêu với khách hàng đa dạng từ những người đi làm có thu nhập tầm trung đến cao cho đến khách du lịch và học sinh, sinh viên.
2. Positioning (Định vị)
Phúc Long đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời khi họ đến thưởng thức những sản phẩm trà và cà phê thơm ngon, mang đậm bản chất Việt.
Kết luận: Phuc Long xây dựng định vị trong lòng khách hàng là một loại trà thơm ngonvới hương vị thanh thoát thuần Việt. “ Đắt giá và đáng giá”
Chiến lược marketing Mix của Phuc Long Coffee & Tea
Chiến lược marketing về sản phẩm của Phuc Long (Product)
Sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo đến sự thành công của thương hiệu. Nếu thương hiệu có một sản phẩm tốt sẽ thu hút và tạo lòng tin cho khách hàng từ đó họ sẽ gắn bó và quay lại sử dụng sản phẩm nhiều lần. Chính vì vậy, đối với chiến lược về sản phẩm, Phúc Long luôn tập chung và phát triển sản phẩm của mình một cách tốt nhất. Thương hiệu đã tập chung nghiên cứu và tìm ra điểm USP độc nhất mà không một thương hiệu nào khác có được. Đó là hương vị của Phuc Long phải là một, là duy nhất, độc đáo và khác biệt. Đó là các sản phẩm của Phuc Long có vị trà đậm, đánh mạnh vào gu “sành” của khách hàng.
Hiện nay danh mục sản phẩm của Phuc Long gồm:
- Trà & Cà phê
- Trà sữa
- Nước trái cây
- Đồ ăn mặn (Snacks)
- Bánh tráng miệng (Bakery)
Không chỉ tập chung vào chất lượng của các sản phẩm của mình, Phuc Long còn mở rộng sản phẩm của mình với rất nhiều hương vị khác nhau đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chiến lược marketing về giá của Phuc Long (Price)
Phuc Long Coffee & Tea xây dựng chiến lược về giá của mình bằng “Phương pháp định giá theo giá trị sản phẩm/dịch vụ – Good-value Pricing”. Kèm với đó là các chiến lược định giá hiệu quả và phù hợp: “Chiến lược giá theo dòng sản phẩm – Product line Pricing”; “Chiến thuật giá khuyến mãi – Promotional Pricing”; “Chiến lược giá combo – Combo Pricing”.
Chính sách giá bán được xây dựng một cách hợp lý dựa trên thế mạnh Trà và Cà phê. Với tập khách hàng đa dạng từ văn phòng, học sinh, sinh viên, khách hàng nước ngoài nên giá bán của hãng rơi vào mức tầm trung phù hợp với túi tiền của đa số người dân.
Giá thành các sản phẩm nước uống tại “ Phuc Long Coffee & Tea House” dao động từ 35.000 -75.000 (VNĐ). Mức giá này chỉ bằng 50-70% so với giá bán của Trung Nguyên hay 30-50% giá bán của Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf. Đây cũng chính là một lý do giúp Phuc Long đưa thương hiệu của mình đến gần hơn với công chúng và thu hút một lượng khách hàng đông đảo trong thời gian ngắn.
Chiến lược marketing về phân phối của Phuc Long (Place)
Phúc Long Coffee & Tea có một hệ thống phân phối gồm 84 cửa hàng trên cả nước, tập chung chủ yếu tại các tỉnh thành như Tp.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ, Nghệ An. Những cửa hàng này đều được đặt tại những “Khu đất vàng” với tiềm năng rất lớn. Các sản phẩm của Phuc Long không chỉ được trưng bày và bày bán tại hệ thống các cửa hàng trên mà còn được trưng bày tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng tiện lợi. Nơi có những người mua tiềm năng nằm trong phân khúc thị trường mà Phuc Long nhắm tới.
Với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong những năm trở lại đây. Ngoài những cửa hàng offline truyền thống, Phúc Long còn tập chung phát triển mở rộng những kênh bán hàng Online. Khách hàng có thể đặt hàng trực tiếp tại trang web https://www.phuclong.com.vn/ hoặc những app đồ ăn như Shopeefood, Grabfood, Baemin, Foody,…
Chiến lược marketing về xúc tiến của Phuc Long (Promotion)
Đối với chiến lược marketing về xúc tiến, Phúc Long sử dụng “Chiến lược đẩy (push)” và “Chiến lược kéo (pull)”. Chuỗi cửa hàng của Phúc Long được đặt tại những vị trí “Đất Vàng” nhiều mặt tiền với lượng người qua lại đông đúc. Ví dụ như trong các tòa nhà nổi tiếng Bitexco, Landmark 81, Vincom hoặc trên các con đường lớn như Lê Lợi, Cộng Hòa, Ngô Đức Kế,…
Ngoài ra, Thương hiệu Phuc Long Coffee & Tea còn đẩy mạnh việc truyền thông hình ảnh của mình qua các trang mạng xã hội như Facebook, Intagram, Youtube,… Chiến lược này đã thể hiện kết quả khả quan khi Fanpage của Phuc Long trên nền tảng Facebook đạt hơn 400.000 lượt theo dõi. “Chiến lược đẩy” (Đẩy sản phẩm đến gần khách hàng). Phuc Long không sử dụng nhiều kênh phân phối mà bán trực tiếp các sản phẩm đóng gói của mình ở cửa hàng vậy nên “Chiến lược đẩy” không được thể hiện rõ nhưng việc phân phối các sản phẩm của mình đến các siêu thị, trung tâm mua sắm hay một số cửa hàng tiện lợi đã giúp Phuc Long sử dụng chiến lược này một cách có chọn lọc nhưng hiệu quả.
Kết Luận
Với những chiến lược marketing của mình, Phúc Long dần tiến gần hơn đến vị trí Top of mind trong lòng người Việt. Theo kết quả kinh doanh gần nhất vào năm 2019, Phúc Long đạt doanh thu thuần 779 tỷ đồng, tăng tới 306 tỷ đồng so với năm 2018, tương đương mức tăng 65%. Với kết quả này, Phúc Long đã rút ngắn khoảng cách chênh lệch doanh thu với các “ông lớn” còn lại như The Coffee House (863 tỷ đồng) và ngang ngửa chuỗi Starbucks Việt Nam (783 tỷ đồng). Chúng ta hãy cùng xem thương hiệu này sẽ có những bước đi như thế nào trong tương lai.
Xem thêm:
- Phân tích chiến lược Marketing của Coca Cola – “Bá chủ” ngành nước ngọt
- Chiến lược marketing của Tiki – Trang TMĐT hàng đầu Việt Nam
- Chiến lược marketing của Heineken có gì đặc biệt?
- Phân tích chiến lược marketing của Vinamilk – Ông vua ngành Sữa Việt Nam